ĐỪNG TRỞ THÀNH NẠN NHÂN CỦA CÁC TRÒ LỪA ĐẢO Ở NHẬT
Đừng trở thành nạn nhân của những trò lừa đảo ở Nhật
Một mùa nhập học của du học sinh nữa lại chuẩn bị bắt đầu và ở thời điểm này chắc hẳn không ít bạn du học sinh đang lo lắng về cuộc sống mới ở Nhật. Việc sinh sống và học tập ở một đất nước khác là một cơ hội rất tuyệt vời nhưng ẩn chứa trong cơ hội ấy cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm mà các bạn cần phải chú ý và phòng tránh. Hôm nay xin được tổng hợp lại một số những trường hợp lừa đảo thường gặp ở Nhật để các bạn mới sang có thể phòng tránh.
1.Bảo mật thông tin cá nhân khi đăng kí điện thoại
Điện thoại là phương tiện thiết yếu để các bạn du học sinh mới sang có thể liên lạc về nhà, tra cứu thông tin,… Vì vậy, phần lớn mọi người khi mới sang đến Nhật đều muốn nhanh chóng đăng ký ngay cho mình 1 chiếc điện thoại di động.
Tuy vậy, vì mỗi số điện thoại ở Nhật đều gắn với thông tin chính chủ nên thủ tục đăng ký khá phức tạp và đòi hỏi khai nhiều thông tin cá nhân hơn ở Việt Nam. Vì vậy các bạn học sinh mới sang, tiếng Nhật còn kém thường có xu hướng nhờ người đi cùng và giao cho họ những thông tin cá nhân của bản thân để nhờ đăng kí giúp điện thoại cho nhanh gọn.
Tuy nhiên, trên thực tế đã xảy ra không ít trường hợp người được nhờ đã sử dụng luôn các thông tin này để đăng kí máy điện thoại hoặc máy tính bảng khác nhằm trục lợi cho bản thân. Hậu quả dẫn tới là rất nhiều bạn không hề hay biết là mình đang đăng kí nhiều máy cho tới khi thấy nhà mạng gửi về hàng loạt hoá đơn đòi thanh toán các khoản cước phí lên tới cả chục man.
Vậy để không vấp phải trường hợp này bạn cần lưu ý:
- Chỉ nên nhờ những người mà mình biết rõ và tin tưởng đi cùng: ví dụ anh chị phụ trách hay giáo viên ở trường tiếng. Không nên nhờ người mới quen vì mình chưa biết rõ họ là người thế nào.
- Không đưa giấy tờ của mình cho người khác đăng kí hộ, mà chỉ nhờ người đi cùng để phiên dịch, giải thích còn chính mình là người điền các thông tin vào form đăng ký để tránh bị lợi dụng thông tin cá nhân.
- Chọn các cửa hàng điện thoại có hỗ trợ tiếng Việt. Ví dụ các shop điện thoại của Au hiện nay có khá nhiều nơi đã có staff người Việt..
- Kiểm tra kỹ nội dung hợp đồng và các dịch vụ mà mình đăng ký. Nếu không hiểu kỹ thì nên nhờ nhân viên hoặc người đi cùng giải thích lại rõ vì nhiều khi nhân viên sẽ tự động tích hợp các dịch vụ (có phí, nhưng miễn phí tháng đầu) vào khi bạn đăng ký tháng đầu, và bạn cần phải tự gỡ dịch vụ đó ra vào các tháng tiếp theo.
- Thường xuyên kiểm tra lại chi phí điện thoại hàng tháng và thắc mắc với nhà mạng ngay khi thấy vấn đề bất thường.
Ngoài ra còn có các dịch vụ giả vờ unlock máy bị khóa nhà mạng để lấy tiền và thông tin cá nhân của các bạn. Các bạn hãy chú ý là nếu nợ tiền nhà mạng, bùng hợp đồng mạng, vi phạm hợp đồng mạng thì tên của bạn sẽ bị đánh dấu vào “danh sách đen” của các nhà mạng, không được ký hợp đồng ở nhà mạng khác. Hoặc nếu bạn dùng thẻ tín dụng do AU cung cấp, bạn sẽ còn được vào “danh sách đen” của liên ngân hàng, về sau không thể đăng ký thẻ tín dụng ở ngân hàng nào nữa.
Trang web hỗ trợ tiếng Việt của nhà mạng Au
2,Chọn lọc nơi uy tín để mua vé máy bay
Sau điện thoại, thì vé máy bay cũng là địa bàn mà nhiều đối tượng lừa đảo hoành hành, nhất là trong thời đại mà bạn có thể dễ dàng đặt mua mọi thứ, kể cả vé máy bay qua Facebook như hiện nay.
Chiêu trò lừa đảo phổ biến nhất là tung ra các vé khuyến mại với giá siêu rẻ, nhưng yêu cầu phải trả tiền gấp, để đánh vào tâm lý muốn “săn vé rẻ” của các bạn sinh viên. Trong quá trình giao dịch, các tài khoản Facebook này sẽ trả lời bạn các thông tin về vô cùng nhiệt tình, tạo cho bạn cảm giác tin tưởng,..Tuy nhiên, chỉ ngay sau khi bạn chuyển khoản và gửi hoá đơn cho họ, bạn sẽ bị block và không có cách nào để liên lạc lại được với họ nữa. Hoặc tinh vi hơn, có trường hợp đặt vé lần 1 thì được xuất vé như bình thường, nhưng sang lần 2 thì…đối tượng mới lộ rõ bộ mặt lừa đảo khiến các bạn sinh viên trở tay không kịp.
Đặc biệt, không chỉ các Facebook bán vé cá nhân, mà cả những trang Facebook với lượng like lên tới cả trăm nghìn, có tên na ná với Vietnam Airlines (Ví dụ: VNA Booking,..) cũng là các trang lừa đảo.
Vì vậy, khi đặt vé, các bạn cần đặc biệt lưu ý chọn những nơi uy tín để mua.
- Tin tưởng nhất và an toàn nhất là đặt mua qua trang chủ của các hãng: Vietnam Airlines, ANA, …Tuy vậy, để đặt qua các trang này bạn cần có thẻ tín dụng (credit card) hoặc thẻ ghi nợ (debit card) để có thể thanh toán qua mạng. Đây có lẽ chính là rào cản khiến nhiều bạn ngại mua vé chính hãng. Tuy nhiên, đăng ký credit/debit card thực ra không phức tạp như bạn tưởng. Hãy tham khảo link dưới và làm cho mình một thẻ debit card cho chủ động nhé.
- Các trang tổng hợp hỗ trợ đặt vé máy bay – đặt khách sạn của Nhật (Rakuten Travel, Skygate,..) cũng là một lựa chọn các bạn nên tham khảo. Các trang này thường tổng hợp vé của nhiều hãng khác nhau, ngoài ra còn có khuyến mại, tích điểm…nên cũng giúp bạn tiết kiêm được một phần chi phí. Ngoài ra còn hỗ trợ cả thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng. Tuy vậy, do các trang này đều bằng tiếng Nhật nên nếu cảm thấy không tự tin, các bạn có thể chọn phần mền translate dịch toàn trang để tìm hiểu thêm, hoặc nhờ sempai trợ giúp.
- Nếu chọn lựa mua vé qua Facebook, hãy chắc chắn nơi mình mua là nơi uy tín trước khi chuyển khoản cho họ: ví dụ như là trang bán vé của các công ty Việt Nam, hoặc nếu là cá nhân thì nên hỏi trước trên các group cộng đồng hoặc các sempai xung quanh xem đã ai từng mua ở đó chưa,…
Hướng dẫn làm thẻ tín dụng ở Nhật
Trang mua vé trực tuyến của Vietnam Airlnes
Trang mua vé máy bay của Rakuten Travel
Trang mua vé máy bay Skygate của DeNA Travel
3,Thận trọng khi mua hàng qua Facebook
Việc mua hàng qua mạng hay liên lạc qua mạng là rất thuận tiện nhờ tính nhanh chóng và lại hay vớ được món hời (ví dụ như iPhone giá cực rẻ so với nhà mạng,..) . Vì vậy nhiều bạn học sinh mới sang thường vẫn đánh liều mua hàng trên các group rao vặt như: Tokyo Baito Rao vặt,.. Tuy vậy, những giao dịch này lại có rủi ro cực kì cao vì bạn chẳng hề có thông tin gì đảm bảo về người bán cũng như nguồn gốc các món hàng.
Đã có rất nhiều trường hợp chuyển tiền mua hàng xong nhưng không nhận được hàng hoặc nhận hàng là những món đồ khác với đã đặt mua, ví dụ như đặt mua Iphone nhưng nhận lại là một chai dầu gội. Cách mua hàng khôn ngoan nhất là trực tiếp xem kỹ hàng hóa rồi mới trả tiền mua và mua ở những công ty được người mua đánh giá cao.
4,Hạn chế tối đa chuyển tiền tay ba
Các bạn du học sinh qua đây ai thường có nhu cầu gửi tiền về nhà để trả các khoản vay khi đi du học, nhưng phí gửi qua ngân hàng lại quá cao, tỉ giá lại không được tốt, từ đó phát sinh ra dịch vụ“chuyển tiền tay ba” . Chuyển tiền tay ba là hình thức trong đó bạn sẽ đưa tiền (chuyển khoản) Yên cho người trung gian ở Nhật và người thân của người trung gian ở Việt Nam sẽ đưa tiền/ chuyển khoản tiền Việt cho gia đình bạn, hoặc ngược lại.
Ưu điểm của hình thức này chính là nhanh chóng, gọn lẹ, tỷ giá tốt,…nhưng tiềm tàng rủi ro cao vì bạn có thể chuyển tiền xong mà chẳng nhận được khoản tiền nào ở VN cả,…Ngoài ra, nếu bên chuyển có tính thêm phí phát sinh thì điều đó còn bị coi là phạm pháp, và bạn cũng sẽ tự dưng trở thành 1 mắt xích trong đường dây phạm pháp đó.
Hiện nay, có khá nhiều dịch vụ chuyển tiền quốc tế của các công ty uy tín, có hỗ trợ tiếng Việt, có phí dịch vụ chỉ từ 1000y cho mỗi 10 man, lại vô cùng nhanh gọn như: D-com, SBI,…nên hãy tận dụng để bảo đảm an toàn cho chính mình bạn nhé.
Trang dịch vụ chuyển tiền của Dcom
Facebook chính thức của dịch vụ chuyển tiền SBI
Kiểm tra kĩ các thông tin khi nhờ giới thiệu việc làm hoặc chuyển đổi visa
Đa phần du học sinh sang đây đều muốn nhanh chóng có được việc làm thêm nhằm ổn định kinh tế, nhưng do chưa tiếp cận được với nhiều nguồn tuyển dụng, sợ cạnh tranh không được mà tin tưởng các cò mồi giới thiệu việc làm thêm với phí giới thiệu khoảng 2-3 man/ công việc baito. Tuy vậy, không ít bạn đã lâm vào tình huống dở khóc dở cười khi mất 2-3 man cho các trung gian môi giới mà chỉ được đi làm có 1 tháng đã bị lấy cớ đuổi này nọ,…
Việc làm thêm ở Nhật rất nhiều nên nếu biết tận dụng các cổng hỗ trợ miễn phí, bạn không cần thiết phải mất 2-3man cũng có thể tìm được. Ngoài việc nhờ thầy cô trong trường hoặc những sempai khác, bạn hoàn toàn có thể tìm việc làm thêm từ các sách báo phát miễn phí ở ga (A-Town) hoặc tìm các bảng thông báo tuyển người ở nơi bạn học tập sinh sống, hơn nữa hiện nay có rất nhiều group chuyên giới thiệu việc làm thêm và hoàn toàn không mất phí. Một số trang web bạn có thể tìm việc làm thêm:
link tham khảo :
TỔNG HỢP CÁC TRANG TIN TUYỂN DỤNG TẠI NHẬT
HƯỚNG DẪN TRA CỨU THÔNG TIN TUYỂN DỤNG TRÊN HELLOWORK
Ngoài ra, nhiều bạn đã có bằng Đại học ở Việt Nam, vì nôn nóng muốn kiếm tiền trả hết số tiền vay ở nhà nên sau khi sang Nhật du học thường có xu hướng muốn nhanh chóng chuyển sang visa lao động để vừa được làm full 40 tiếng (thậm chí hơn), vừa không phải đóng tiền học. Rất nhiều dịch vụ chuyển visa ma đã đánh vào tâm lý này của các bạn du học sinh bằng cách mời gọi chuyển visa với giá 35-40 man, không cần biết tiếng,…Nhưng sau khi các bạn trả tiền xong thì chỉ có visa mà không có việc (công ty ma), hoặc công việc rất vất vả, bấp bênh, lương rẻ mạt,..Thậm chí nhiều nơi sau khi thu tiền của các bạn DHS xong còn tìm đủ mọi lý do để không giới thiệu việc, ko chuyển visa giúp,..khiến các bạn lâm vào tình thế tiền thì mất mà việc cũng chả có mà làm..
Để không lâm vào tình trạng trên, các bạn nên hiểu rõ về cơ chế xin việc làm- xin visa của Nhật và chủ động có kế hoạch xin việc làm tại Nhật một cách bài bản và hãy CẨN TRỌNG VỚI CÁC CÔNG TY MỜI GỌI CHUYỂN VISA GIÁ CAO MÀ KHÔNG CẦN BIẾT TIẾNG NHÉ.
Kết
Các bạn có rất nhiều cách để tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, tất cả các kinh nghiệm sống ở Nhật đều được các anh chị đi trước viết lại bằng tiếng Việt nên bạn hoàn toàn có thể đọc trước từ ở nhà trước khi quyết định làm gì. Các công ty Nhật hiện nay cũng có rất nhiều người Việt Nam đang làm việc hay có những tổ chức phi lợi nhuận nhằm đảm bảo quyền lợi cho người nước ngoài nên nếu có gì thắc mắc bạn hoàn toàn có thể yên tâm trao đổi bằng tiếng Việt.
Hãy luôn nhớ tìm hiểu kỹ thông tin trước khi làm để không tự biến mình thành những nạn nhân của các trò lừa đảo ở Nhật nhé.
nguồn : sưu tầm