メニュー

XIN VIỆC Ở NHẬT : NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NGÀY NGHỈ TRONG NĂM - 株式会社TOHOWORK

新着情報

XIN VIỆC Ở NHẬT : NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NGÀY NGHỈ TRONG NĂM

カテゴリ: Tin tức Tiếng Việt (ベトナム語) 公開日:2018年10月05日(金)

Xin việc ở Nhật: Những điều cần biết về ngày nghỉ trong năm

bcade594397d915bd09a099053b47103

Đối với các bạn đang tìm việc tại Nhật, khi đọc thông tin tuyển dụng ngoài mức lương hay nội dung công việc thì 1 mục rất quan trọng cần chú ý đó là số ngày nghỉ trong năm. Ngày nghỉ không có mức chung trong quy định của pháp luật mà do mỗi công ty quyết định, phụ thuộc vào ngành nghề, chế độ làm việc, lịch làm việc của mỗi công ty. Trong bài này mình tổng hợp lại những thông tin cơ bản cần nắm được về ngày nghỉ trong năm để các bạn có thể tự mình xác nhận lại trước khi quyết định vào công ty nhé.

 

Ngày nghỉ trong năm là gì?

Ngày nghỉ trong năm 年間休日 ねんかんきゅうじつ (hay còn gọi là Số ngày nghỉ quy định 所定休日日数 しょていきゅうじつにっすう) là số ngày bằng với 365 trừ đi số ngày đi làm quy định trong 1 năm, và khác nhau tuỳ thuộc vào từng công ty.

Người lao động nói chung, dù là sinh viên mới tốt nghiệp hay là người chuyển việc cũng đều muốn có nhiều ngày nghỉ hơn. Đặc biệt, khác với thế hệ mà 1 nhân viên gắn bó cả đời với một công ty, hiện nay số lượng nhân viên gắn bó, phụ thuộc vào 1 công ty cũng ít đi, muốn dành nhiều thời gian hơn cho cuộc sống cá nhân, cho gia đình. Do đó, việc có bao nhiêu ngày nghỉ trong năm lại càng được coi trọng hơn.

“Ngày nghỉ” theo nguyên tắc là 1 ngày (từ 0 giờ đến 24 giờ) hoàn toàn không có nghĩa vụ phải đi làm. Ngoại trừ 1 số nước có quy định cụ thể, ví dụ như Đức hay Pháp quy định ngày Chủ Nhật là ngày nghỉ (không được đi làm), ở Nhật thì không có quy định bắt buộc ngày nào phải là ngày nghỉ, mà phụ thuộc vào quy định của từng công ty.

Ngày nghỉ có thể khác nhau theo tuần, hay theo từng nhân viên theo quy định của từng công ty. Tuy nhiên, không phải công ty có thể hoàn toàn tự do quy định theo ý thích mà phải tuân theo những quy định về chế độ ngày nghỉ trong Luật Lao động.

Số ngày nghỉ trong năm「年間休日日数」là tổng số ngày nghỉ trong 1 năm theo quy định của công ty. Số ngày nghỉ này bao gồm những ngày nghỉ hàng tuần theo quy định, ngoài ra còn có những ngày nghỉ đặc biệt, ngày lễ khác như Ngày kỉ niệm thành lập công tyngày lễ toàn quốc, Golden Week, Silver Week, lễ Obon, kỳ nghỉ mùa hè, mùa động, kỳ nghỉ cuối năm… tuỳ theo quy định của mỗi công ty.

休日 và 休暇

Ngày nghỉ 休日 là ngày mà người lao động không có nghĩa vụ đi làm, còn ngày nghỉ phép có lương 有給休暇 là ngày mà người lao động được miễn trừ nghĩa vụ đi làm (sau khi làm thủ tục xin 有給). Do đó, về bản chất 有給休暇 không tính gộp vào tổng số ngày nghỉ trong năm. Tuy nhiên, khi đăng thông tin tuyển dụng thì vẫn có trường hợp công ty cộng gộp số ngày Nghỉ phép có lương vào tổng số ngày nghỉ trong năm. Người lao động nên chú ý và xác nhận lại rõ số ngày nghỉ chính thức và số ngày nghỉ phép trước khi quyết định.

Những loại ngày nghỉ trong năm

Ngày nghỉ pháp định 法定休日

Luật Lao động quy định, người sử dụng lao động phải cho người lao động được nghỉ tối thiểu 1 ngày 1 tuần, hoặc tối thiểu 4 ngày trong 4 tuần liên tiếp – gọi là ngày nghỉ pháp định 法定休日 ほうていきゅうじつ.

Hiện nay, về thời gian làm việc cũng có nhiều hình thức khác nhau. Không nhất thiết phải có ít nhất 1 ngày nghỉ 1 tuần mà có thể sắp xếp ít nhất 4 ngày nghỉ trong 4 tuần liên tiếp cũng không vi phạm pháp luật. Đây là 1 trong những hình thức thay đổi ngày nghỉ 変形休日制) dựa trên chế độ thay đổi thời gian làm việc (変形労働時間制) mà các công ty hiện nay áp dụng khá nhiều.

Ngày nghỉ ngoài pháp định 法定外休日(所定休日)

Những ngày nghỉ khác ngoài những ngày nghỉ được quy định ở trên (1 ngày/tuần hoặc 4 ngày/4 tuần), gọi là ngày nghỉ ngoài pháp định 法定外休日 ほうていがいきゅうじつ. Những ngày nghỉ này không được quy định bởi Luật lao động, mà do công ty quy định dựa theo lịch làm việc của mỗi công ty.

Đối với các công ty có chế độ làm việc nghỉ 2 ngày/tuần, có thêm 1 ngày nghỉ ngoài 1 ngày nghỉ pháp định. Do ngày nghỉ pháp định chỉ là 1 ngày/tuần hoặc 4 ngày/4 tuần nên trường hợp người lao động phải đi làm vào ngày nghỉ còn lại (ngày nghỉ ngoài pháp định) cũng không được coi là “đi làm vào ngày nghỉ” theo quy định của pháp luật (tức là công ty không cần phải trả thêm tiền trợ cấp “đi làm vào ngày nghỉ”). Tuy nhiên, nếu tổng số giờ làm việc 1 tuần trên 40 tiếng thì thời gian vượt quá 40 tiếng đó được coi là “thời gian làm thêm ngoài giờ” và công ty có nghĩa vụ trả thêm trợ cấp làm thêm theo quy định của pháp luật.

Các ngày nghỉ bù

Trong tiếng Việt gọi chung là ngày nghỉ bù, nhưng trong tiếng Nhật sẽ phân làm 2 loại, đó là 振替休日 ふりかえきゅうじつ (tạm dịch: ngày nghỉ lễ bù) và 代休 だいきゅう (tạm dịch: ngày nghỉ làm bù)

振替休日 là ngày nghỉ được đổi sang 1 ngày nghỉ được chỉ định trước. Ví dụ đổi ngày làm việc và ngày nghỉ để có đợt nghỉ dài liên tục như đợt Golden Week…

Trong trường hợp đổi ngày làm như vậy, người lao động đi làm trong ngày nghỉ được quy định và nghỉ vào 1 ngày được chỉ định trước sẽ không được coi là “đi làm vào ngày nghỉ” (công ty không cần phải trả phụ cấp làm việc vào ngày nghỉ). Tuy nhiên, trường nào cũng phải đảm bảo đủ ngày nghỉ pháp định, tức 1 ngày/tuần hoặc 4 ngày/4 tuần.

代休 là ngày nghỉ bù (được miễn trừ nghĩa vụ đi làm), được coi như 1 biện pháp đền bù cho việc phải đi làm vào ngày nghỉ trước đó.

Khác với ngày nghỉ lễ bù 振替休日, trong trường hợp người lao động được nghỉ bù cho ngày làm việc trước đó (代休) thì ngày làm việc đó được coi là “đi làm vào ngày nghỉ” (休日労働), trường hợp ngày nghỉ đó là ngày nghỉ pháp định 法定休日 thì công ty có nghĩa vụ phải trả thêm phụ cấp làm việc vào ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.

Số ngày nghỉ tối thiểu trong năm

Số ngày nghỉ trong năm do mỗi công ty quy định, nhưng không ít hơn số ngày nghỉ nhất định trong năm. Vậy số ngày nghỉ trong năm tối thiểu khoảng bao nhiêu?

Trường hợp công ty làm việc dưới hình thức ngày nghỉ pháp định 1 ngày/tuần hay giờ lao độngkhông quá 40 tiếng/tuần thì tổng số ngày nghỉ trong năm vào khoảng 105 ngày. Trường hợp công ty áp dụng chế độ nghỉ 3 ngày/tuần thì số ngày nghỉ rơi vào khoảng 150 ngày, hoặc những công ty thiếu nhân lực sẽ giảm xuống còn khoảng 100 ngày nghỉ.

Trường hợp công ty làm việc dưới hình thức nghỉ 2 ngày/tuần 完全週休2日制, cộng thêm số ngày nghỉ lễ, nghỉ hè, nghỉ cuối năm, ngày kỉ niệm của công ty… thì tổng số ngày nghỉ sẽ rơi vào khoảng 120 ngày.

Trường hợp những công ty về dịch vụ và làm việc 365 ngày/năm (không theo lịch nghỉ thông thường) thì nhiều có tổng số ngày nghỉ rơi vào khoảng trên dưới 100 ngày 1 năm. Với những công ty với giờ làm việc thông thường 8 tiếng/ngày thì rơi vào khoảng 105 ngày/năm. Nếu thời gian làm 1 ngày giảm đi thì số ngày làm việc sẽ tăng lên, số ngày nghỉ giảm đi (dưới 105 ngày) và ngược lại.

Trường hợp các các công ty áp dụng chế độ làm việc biến đổi 変形労働時間制

Đây là chế độ làm việc mà thời gian làm việc 1 ngày không phải là 8 tiếng mà có thể tăng giảm phụ thuộc vào công ty nhưng vẫn phải nằm trong phạm vi quy định của Luật Lao động.

Hiện nay ngày càng nhiều công ty áp dụng hình thức làm việc nghỉ 3 ngày/tuần dựa vào chế độ làm việc này. Tức là người lao động sẽ làm việc 10 tiếng 1 ngày, tức là đủ 40 tiếng 1 tuần theo quy định pháp luật. Do đây là chế độ làm việc biến đổi nên thời gian làm việc quá 8 tiếng đó không được coi là làm thêm ngoài giờ, không phát sinh phụ cấp làm thêm. Bù lại, nhân viên sẽ được nghỉ 3 buổi 1 tuần, số ngày nghỉ trong năm cũng tăng lên khoảng 150 ngày/năm.

Kết

Ngày nghỉ trong năm sẽ do từng công tuy quy định, bao gồm ngày nghỉ pháp định và những ngày nghỉ khác.

Tuỳ thuộc vào chế độ làm việc và thời gian làm việc mỗi ngày mà số ngày nghỉ trong năm có thể tăng giảm. Trường hợp làm việc 8 tiếng 1 ngày thì tổng số ngày nghỉ sẽ rơi vào khoảng ít nhất 105 ngày.

Ngày nghỉ phép có lương về cơ bản sẽ không tính gộp trong số ngày nghỉ trong năm, tuy nhiên người lao động cũng cần chú ý xác nhận lại trước khi quyết định vào công ty.

nguồn sưu tầm 

Copyright©株式会社TOHOWORKAll Rights Reserved. login